Palm: huyền thoại PDA sống mãi trong lòng người dùng

Palm Inc., ban đầu được biết đến với tên gọi Palm Computing, được thành lập vào năm 1992 bởi Jeff Hawkins. Cùng với Donna Dubinsky và Ed Colligan, công ty đã nghiên cứu và phát minh ra chiếc Palm Pilot nguyên bản. Pilot là một trong những mẫu PDA đầu tiên và thành công nhất, biến cái tên “Palm” trở thành đồng nghĩa với PDA và là một form factor điện toán cầm tay hàng đầu thế giới trong gần một thập kỷ.

Tuy nhiên, trước Palm Pilot, công ty đã từng phát triển nên Zoomer – thiết bị được bán ra thị trường với tên gọi Casio Z-7000 và Tandy Z-PDA. Nỗ lực ban đầu này của Palm đã cạnh tranh trực tiếp với chiếc Apple Newton, vốn được xem là đáng nhớ hơn những vẫn thất bại. Zoomer được trang bị PalmPrint và PalmOrganizer, phần mềm dựa trên một hệ điều hành phát triển bởi Geoworks. Vào thời điểm đó, Palm tự xem mình là một nhà phát triển bên thứ ba và nhắm đến các khách hàng như Apple và Microsoft với các sản phẩm PDA.

Trung tâm của sự chú ý là phần mềm nhận dạng chữ viết tay Graffiti của Palm. Phần mềm này có khả năng đọc chữ viết tay cực tốt, miễn là người dùng chấp nhận học phong cách viết của Graffiti. Ví dụ, viết chữ “A” bằng cách bỏ dấu gạch ngang, giống như chữ “V” ngược vậy. Tuy nhiên, Palm rất tự tin về hệ thống này và khẳng định có thể đạt độ chính xác 100% một khi đã học được cách viết.

Thành công của Graffiti dẫn đến kết quả là Palm được mua lại bởi US Robotics vào tháng 9/1995 với giá 44 triệu USD.

Palm Pilot

Một năm sau khi về với chủ mới, Palm ra mắt Pilot. Đó là một chiếc PDA đơn giản có 4 chức năng chính: ghi chú, danh bạ, lịch, và danh sách việc làm. Chiếc Pilot nhanh chóng thống trị thị trường PDA với hơn 1 triệu máy được bán ra trong 1,5 năm đầu tiên.

Palm Pilot có gì đặc biệt đến vậy? Thiết bị này được thiết kế để cầm vừa vặn trong tay và nhét vừa túi quần dài. Nghe quen không? Rõ ràng vào thời điểm đó, nó là một cuộc cách mạng, một thiết bị cầm tay mà người dùng sẽ mang theo bên họ mọi lúc mọi nơi thường xuyên hơn. Pilot chạy Palm OS 1.0 trên CPU Motorola 68328 xung nhịp 16MHz. Nó có màn hình LCD cảm ứng đơn sắc 160×160 pixel, cùng một vùng nhập liệu Graffiti. Máy sử dụng 2 viên pin AAA.

Người dùng có thể kết nối Pilot với PC bằng một chiếc đế đặc biệt và đồng bộ dữ liệu. Với giá 299 USD, chiếc Pilot 1000 có giá chỉ bằng một nửa so với Apple Newton, có thể lưu 500 địa chỉ và 600 cuộc họp. Chiếc Pilot 5000 là bản nâng cấp, giá cao hơn 69 USD, và có bộ nhớ trong cao gấp 5 lần.

Palm từng bị kiện bởi công ty bút Pilot vì sử dụng cái tên “Pilot”. Đó là lý do vì sao thiết bị này sau đó được gọi là “PalmPilot”, và rồi hãng quyết định bỏ luôn nhãn hiệu Pilot trên các mẫu máy mới như Palm III và Palm Tungsten.

US Robotic được 3Com mua lại vào năm 1997 trong một thương vụ cổ phiếu lớn trị giá 6,6 tỷ USD, cũng là thương vụ sáp nhập lớn thứ nhì trong ngành công nghệ lúc bấy giờ. Tuy nhiên, các nhà sáng lập ban đầu của Palm là Hawkins, Dubinsky và Colligan không vui với đường hướng của 3Com nên một năm sau đã bỏ công ty để thành lập nên Handspring. PDA của Handspring, chiếc Visor, sử dụng phần mềm đã mua giấy phép từ Palm. Và trong một diễn biến bất ngờ của số phận, Handspring lại vào tay…Palm vài năm sau đó.

Palm: huyền thoại PDA sống mãi trong lòng người dùng - Ảnh 2.

Palm cuối cùng được tách ra và khởi động một phiên IPO vào tháng 3/2000, với giá cổ phiếu cao hơn gấp đôi so với ngày đầu giao diện. Điều này khiến Palm có giá trị cao hơn cả General Motors, McDonalds, và thậm chí là công ty mẹ 3Com. Không may là giá cổ phiếu cao ngất ngưỡng của Palm đã tụt dốc sau khi bong bóng dot-com nổ bung, kéo theo đó là 90% giá trị của công ty chỉ trong hơn 1 năm.

Trong quãng thời gian từ 1999 đến 2006, không phải lúc nào cũng đi trên con đường rải hoa hồng, nhưng Palm vẫn luôn tìm kiếm cơ hội trong một thị trường thiết bị điện toán cầm tay tăng trưởng mạnh mẽ hơn bao giờ hết và một thị trường smartphone đang chớm nở. Handspring thành công với các thiết bị Treo hỗ trợ kết nối không dây, và Palm cũng cải tiến mạnh mẽ dòng thiết bị của riêng mình trước khi cả hai sáp nhập.

Palm: huyền thoại PDA sống mãi trong lòng người dùng - Ảnh 3.

Palm Treo 700w

Cuộc đấu PDA trong những năm tiếp theo diễn ra hết sức gay gắt với những tên tuổi như HP, Sony, Compaq, Nokia, và Casio tham gia thị trường. Palm vượt lên trước với đội ngũ nhà phát triển bên thứ ba đông đảo lên đến con số 70.000 so với chỉ 200 nhà phát triển bên phía Windows. Nhưng điều đó không duy trì được lâu và công ty cuối cùng phải chịu thua, tung ra thiết bị chạy Windows Mobile của mình là Palm Treo 700w. Dù Palm vẫn có PalmOS, nhưng Treo 700w là sản phẩm dành riêng cho những người dùng muốn sự quen thuộc của Windows.

Tất nhiên, đừng quên một “đại gia” khác là BlackBerry, một dòng thiết bị siêu phổ biến do Research In Motion (RIM) phát triển ở Ontario, Canada. Palm không đứng yên để các đối thủ vượt qua, và đã có thời điểm, mỗi khi ai đó muốn mua một thiết bị di động, họ sẽ chỉ chọn hoặc Palm hoặc BlackBerry. Nhưng điều đó cũng không duy trì được lâu.

Năm 2007, Apple ra mắt chiếc iPhone đầu tiên, và toàn bộ hệ sinh thái thiết bị di động đứng trước một thách thức to lớn, bị xem như những “sinh vật tiền sử” khi so sánh với chiếc iPhone hiện đại. Trong năm đó, bộ óc đứng sau iPod là Jon Rubinstein đã gia nhập Palm và trở thành CEO vào năm 2009. Công ty quyết định tập trung toàn lực cho smartphone nhằm đáp trả “bom tấn” iPhone và mối đe doạ từ Android của Google. Tại CES 2009, Palm giới thiệu Palm Pre, một chiếc smartphone chạy hệ điều hành di động hoàn toàn mới tên webOS.

Palm: huyền thoại PDA sống mãi trong lòng người dùng - Ảnh 4.

Palm Pre

Palm Pre là chiếc điện thoại trông như viên sỏi với bàn phím trượt ra, và là chiếc smartphone đầu tiên phổ biến công nghệ sạc không dây thông qua đế sạc Touchstone. Không may là bàn phím máy không thuộc hàng tốt nhất, và nó cũng chỉ được bán tại nhà mạng Sprint, vốn là nhà mạng không dây xếp thứ 3 tại Mỹ thời đó.

Về mặt tích cực, nhiều reviewer ca ngợi thiết kế giao diện người dùng mang tính cách mạng của webOS. Nhiều concept tiên phong bởi webOS như giao diện đa nhiệm dạng thẻ và cử chỉ vuốt sau này đã được mang lên iOS và Android.

WebOS còn cho phép người dùng kết hợp nhiều tài khoản internet vào một danh sách duy nhất để quản lý. Phương thức này còn có một lợi ích là kết hợp nhiều dịch vụ tin nhắn vào một giao diện duy nhất. Palm cũng cho phép người dùng kích hoạt chế độ nhà phát triển bằng cách gõ vào mã Konami nổi tiếng. Hệ điều hành này thực sự mở hơn Android và nhiều cộng đồng nhà phát triển đã nhanh chóng tạo nên nhiều app store bên thứ ba để hỗ trợ cho app store chính thức của Palm.

Không may là, chất lượng hoàn thiện đã cản trở Pre đi đến thành công, khi mà nhiều người bắt đầu lo ngại về cơ chế bàn phím trượt, tình trạng nút màn hình, và jack headphone lỗi. Dù giao diện người dùng webOS thực sự cách mạng, phần cứng bên dưới lại chậm hơn so với các điện thoại di động đối thủ, cụ thể là iPhone. Cuối cùng, dù Pre là chiếc smartphone bán nhanh nhất của Sprint, doanh số đó vẫn chưa đủ để giúp Palm đạt chỉ tiêu kinh doanh. Công ty cuối cùng bị HP mua lại vào năm 2010 với giá 1,2 tỷ USD.

Dưới bàn tay HP, webOS vẫn được tiếp tục duy trì và một vài mẫu Pre khác được tung ra. Chiếc Pre 2 tìm cách khắc phục những vấn đề về hoàn thiện của thế hệ đầu với kính cường lực Gorilla Glass. Tuy nhiên, cấu hình Pre 2 lại chỉ được nâng cấp nhẹ mà thôi.

Palm: huyền thoại PDA sống mãi trong lòng người dùng - Ảnh 5.

HP TouchPad

Trong một nỗ lực cuối cùng nhằm cứu lấy webOS, HP công bố HP TouchPad, Veer, và Pre 3 (không dùng nhãn hiệu Palm nữa). Chiếc TouchPad được kỳ vọng sẽ cạnh tranh được với Apple iPad 2 nhưng doanh số quá nghèo nàn khiến nó bị ngừng sản xuất chỉ 49 ngày sau khi công bố. Một đợt sale nhanh đã giúp doanh số TouchPad tăng vọt trong một thời gian ngắn, nhưng đó chỉ là vì giá bán lúc này đã rất thấp và các nhà phát triển cũng tìm ra cách để cài Android lên thiết bị. Mới năm ngoái thôi, một phiên bản Android 9 Pie đã được tung ra cho TouchPad, gần 10 năm sau màn ra mắt thất bại của nó.

HP nhận ra thực tại và ngừng mọi sản phẩm webOS, bao gồm chiếc Pre 3. Trên thực tế, Pre 3 chưa bao giờ được tung ra ở Mỹ. HP bán webOS cho LG và hãng điện tử Hàn Quốc vẫn dùng nó trên các TV thông minh của họ cho đến nay. Nhãn hiệu Palm hiện đã được bán cho TCL.

Palm: huyền thoại PDA sống mãi trong lòng người dùng - Ảnh 6.

Palm Phone

Palm không còn tồn tại như một công ty độc lâp nữa, nhưng tên gọi của họ vẫn được sử dụng cho một thiết bị “companion” (thiết bị phụ, dùng kèm với một thiết bị chính khác) ra mắt cuối năm 2018. Thiết bị này sử dụng Android Oreo và được kỳ vọng sẽ là một thiết bị thứ hai mà mọi người sử dụng thay vì smartwatch. Chiếc “Palm Phone” nhỏ gọn này có kích cỡ chỉ bằng một tấm thẻ tín dụng và có giao diện biểu tượng ứng dụng dạng lưới đơn giản nhằm đề cao bản chất tối giản của nó.

Hiện vẫn chưa biết liệu TCL có quyết định chính thức hồi sinh Palm hay không. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải dành sự tôn trọng cho một trong những công ty từng mang lại tác động to lớn đến những chiếc smartphone được sử dụng rộng rãi ngày nay.

Tham khảo: TechSpot

About Tintuc

Check Also

35968

Google Pixel 6 và Pixel 6 Pro ra mắt: Chip Google Tensor, camera nâng cấp mạnh, dung lượng pin lớn, giá từ 599 USD

Hôm nay (20/10), Google vừa chính thức ra mắt Pixel 6 và Pixel 6 Pro …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ván trượt điện xe cân bằng hover board